“Rừng vàng, biển bạc”, từ lâu người Việt Nam ta đã ý thức được tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Vậy thực trạng môi trường biển Việt Nam hiện nay ra sao? Sức ép từ sự gia tăng dân số, sự phát triển kinh tế biển, biến đổi khí hậu,… đang dần khiến môi trường biển ô nhiễm nặng nề, đây là vấn đề nhức nhối của Việt Nam nói riêng và tất cả các nước trên thế giới nói chung, đòi hỏi chúng ta có những biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Thực trạng môi trường biển Việt Nam hiện nay
Đường bờ biển dài với tổng diện tích khoảng 1 triệu km vuông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình khai thác tài nguyên, giao thông đường biển và du lịch biển. Tuy vậy, vùng biển nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguy cơ ô nhiễm:
- Theo một thống kê về ô nhiễm biển, Việt Nam đứng hàng thứ tư trên thế giới về lượng rác thải biển, một con số quá khổng lồ so với một đất nước nhỏ bé như chúng ta đây.
- Hàm lượng dầu trong nước biển vượt tiêu chuẩn của Việt Nam, đặc biệt tại cảng Cái Lân – Quảng Ninh có thời điểm ghi nhận hàm lượng dầu đạt mức 1.75mg/L; ngay cả Vịnh Hạ Long con số này cũng đã là 1 – 1.73mg/L. Ô nhiễm bởi dầu khiến các sinh vật biển chết hàng loạt, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nước nhà.
- Một số vùng biển bị đục hóa do lượng phù sa nhiều gây ảnh hưởng đến du lịch. Hay nước biển bị ảnh hưởng bởi một số chất hữu cơ, kẽm và thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng nước ngày càng đi xuống.
Nguyên nhân của sự ô nhiễm
Nguyên nhân chủ yếu của sự ô nhiễm đến từ chính con người, chúng ta hưởng lợi từ biển nhưng lại không chú trọng bảo vệ nó:
- Ven biển Việt Nam có đến hàng trăm con sông đổ ra, chúng mang theo rác thải sinh hoạt, chất thải từ các khu công nghiệp không xử lý mà đổ thẳng ra môi trường, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chất thải y tế, phế thải từ hoạt động xây dựng,… Những chất thải này có khi mất đến hàng trăm năm mới phân hủy được, chúng tích tụ lại và lan truyền trong lòng biển, từ đó làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho các sinh vật và đôi khi là cả chính những người dân sống ở khu vực ven bờ.
- Hoạt động du lịch của con người, nuôi trồng thủy sản cũng thải ra lượng rác thải khổng lồ và làm biến đổi môi trường ven biển.
- Các sự cố tràn dầu trên biển của tàu thuyền chuyên chở hay giàn khoan khiến hàm lượng dầu trong nước biển tăng cao. Lượng dầu lênh đênh trên biển làm cản trở sự quang hợp của các loài thực vật biển, dẫn đến sự đứt gãy chuỗi thức ăn trong tự nhiên; khi bốc hơi lên sẽ gây ô nhiễm không khí; các thành phần lắng xuống thì làm tổn hại môi trường sống của các loài thủy sinh như san hô. Ngoài ra, dầu trôi dạt vào bờ và dính vào cơ thể của các loài chim hay động vật có vú, khiến chúng giảm khả năng trao đổi chất, nguy hiểm đến tính mạng.
- Lượng nước và phù sa hằng năm các con sông đổ ra khiến nước biển bị đục, mất mỹ quan. Tuy nhiên, các chất hữu cơ, kim loại nặng mà chúng kéo theo mới là thủ phạm chính gây ra sự ô nhiễm nước biển.
- Sự khai thác, đánh bắt quá mức khiến lượng cá, hải sản suy giảm nghiêm trọng qua các năm.
Ngoài ra, những nguyên nhân từ tự nhiên như sự phun trào nham thạch của những ngọn núi lửa trong lòng biển, triều cường dâng cao cũng giết chết vô số sinh vật biển và hòa tan những chất có hại.
-
Đề xuất một số giải pháp bảo vệ môi trường biển
- Tăng cường giám sát, xử lý những hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước, tăng nước xử phạt thậm chí là rút giấy phép kinh doanh nếu tái phạm nhiều lần. Việc này đòi hỏi sự cứng rắn của các cấp chính quyền và cả sự tự giác của các doanh nghiệp, người dân.
- Đầu tư cho phát triển các công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh.
- Quy hoạch lại việc xây dựng các khu du lịch, khai thác, tránh đánh bắt tràn lan, tạo điều kiện cho sinh vật biển sinh sản, bảo tồn nguồn tài nguyên, giữ nguyên trạng những nét đẹp vốn có.
- Tổ chức nhiều hơn các hoạt động làm sạch lại môi trường như thu gom, xử lý rác thải, các mảnh dầu, khử khuẩn,…
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường biển.
- Đẩy mạnh công tác trồng rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển để ngăn chặn sự xâm nhập mặn, kéo theo các chất độc có hại cho con người.
Kết luận
Mẹ thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam tài nguyên biển dồi dào để phát triển kinh tế, chúng ta không thể chỉ nhận mà không cho đi, không thể chỉ khai thác mà không có bảo tồn. Thông qua tìm hiểu và phân tích thực trạng môi trường biển Việt Nam hiện nay, tôi mong rằng bản thân có thể góp một phần nhỏ vào việc nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ “bạc” của đất nước.